VIỆN NGHIÊN CỨU CAO SU VIỆT NAM
RUBBER RESEARCH INSTITUTE OF VIET NAM

GIỚI THIỆU TRANG MẠNG CHẨN ĐOÁN (ONLINE) DỊCH HẠI TRÊN CÂY CAO SU

     Cây cao su là một trong những loại cây công nghiệp quan trọng hàng đầu ở nước ta. Theo số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích trồng cao su cả nước đã đạt đến 976.400 ha, trải dài từ vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung, Bắc Trung Bộ và vươn ra miền núi phía Bắc. Việc mở rộng diện tích và trồng tập trung độc canh cây cao su trên quy mô lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, sản lượng và chất lượng mủ, làm gia tăng chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến đời sống người trồng cao su. Trong thực tế sản xuất, mạng lưới bảo vệ thực vật ngành cao su đã được thiết lập ở mức cơ bản bao gồm hệ thống cán bộ kỹ thuật từ cấp tổ đội, Nông trường, Công ty, Viện Nghiên cứu Cao su và Ban quản lý Kỹ thuật Tập đoàn. Tuy nhiên, hệ thống mạng lưới này hoạt động chưa đồng bộ, bị chi phối bởi nhiều yếu tố, vấn đề trao đổi thông tin còn rời rạc, chủ yếu là thông tin một chiều và thường chậm trễ, hiệu quả quản lý dịch hại trên vườn cao su chưa cao.

     Xuất phát từ thực tế đó, được sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã xây dựng trang mạng “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su” nhằm giúp người làm công tác nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, nông dân có thể tham khảo hoặc chẩn đoán nhanh các loại dịch hại phổ biến trên cây cao su và phòng trị kịp thời, đúng cách, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh mục tiêu là nơi thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến về dịch hại cây cao su, trạng mạng cũng là địa chỉ tin cậy giúp người dùng cập nhật thông tin trực tuyến về dịch hại mới, dự tính dự báo tình hình dịch hại trên cây cao su. Trang mạng này còn là môi trường trao đổi thông tin, nâng cao hiểu biết về dịch hại trên cây cao su cho các cá nhân, tổ chức trồng cao su tại Việt Nam.

     Người sử dụng có thể truy cập trang mạng chẩn đoán dịch hại trên cây cao su bằng cách nhấp chọn vào hình ảnh liên kết có dòng chữ “CHẨN ĐOÁN DỊCH HẠI CÂY CAO SU” ở giao diện trang chủ của trang mạng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (http://www.vnrubbergroup.com hoặc https://www.rubbergroup.vn), hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ https://chandoanbenhonline.rubbergroup.vn

Liên kết trên trang mạng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

 

Giao diện trang chủ của trang mạng “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su”

  Khi truy cập trang này, người sử dụng có nhiều cách để tra cứu một loại dịch hại chưa biết trên cây cao su (xem hướng dẫn sử dụng). Các tiện ích quan trọng nhất bao gồm tự chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán và cảnh báo dịch hại. Các loại dịch hại được phân chia thành các nhóm như: bệnh trên lá, bệnh trên thân và cành, bệnh trên mặt cạo, bệnh trên rễ, bệnh do yếu tố thời tiết hoặc các tác nhân phi sinh vật khác, động vật gây hại trên vườn cao su với nhiều hình minh họa thực tế được cập nhật mới, giúp người dùng dễ dàng xác định đúng loại dịch hại và biện pháp xử lý cho vườn cao su của mình. Ngoài ra, trang mạng cũng cung cấp thêm các thông tin về cỏ dại, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong ngành cao su, các văn bản chỉ đạo, quy định, quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

     Trong bối cảnh diện tích cây cao su phát triển mở rộng trên nhiều vùng sinh thái công với tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn đến diễn biến của các loại dịch hại ngày càng phức tạp. Để đáp ứng được yêu cầu mới, hệ thống mạng lưới bảo vệ thực vật trong ngành cần được củng cố, nâng cấp, thông tin liên lạc phải nhanh và chính xác hơn. Trang mạng chẩn đoán dịch hại trên cây cao su với kỳ vọng là một công cụ có thể góp phần thực hiện được các yêu cầu nêu trên. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ chẩn đoán trực tuyến từ trang mạng và các nhà chuyên môn, công tác quản lý dịch hại trên vườn cao su sẽ được cải thiện tốt hơn.

                                                                                                                            Đoàn Nhân Luân, Nguyễn Anh Nghĩa

Bộ môn Bảo vệ Thực vật – Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam